(NLĐO) – Từ đầu năm đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận có hơn 1.800 trẻ bị tay chân miệng, trong tháng 8, 9 số bệnh nhân tăng cao.
Ngày 8-10, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sở đã có công văn khẩn gửi Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe, các bệnh viện, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.
Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng tổng hợp tình hình dịch bệnh từ đầu năm 2018 đến nay, phân tích dịch tễ bệnh xác định yếu tố nguy cơ, vùng nguy cơ, dự báo dịch. Đồng thời, hướng dẫn nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị tuyến huyện giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch kịp thời, không để bùng phát, lan rộng.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi tay chân miệng tại Bà Rịa-Vũng Tàu
Trung tâm Truyền thông-Giáo dục sức khỏe cập nhật tình hình dịch bệnh, dịch tễ và công tác triển khai của tỉnh, kiến thức phòng chống dịch bệnh để hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, chuyển tải đến cơ quan truyền thông phối hợp tuyên truyền.
Các bệnh viện, cơ sở điều trị, chủ động phân loại bệnh nhân, chuẩn bị khu cách ly điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
Theo ghi nhận, từ đầu năm 2018 đến nay toàn tỉnh đã có 1.806 trường hợp bị tay chân miệng. Đặc biệt là trong tháng 8 và tháng 9, số ca tay chân miệng tăng cao với hơn 940 ca, tập trung chủ yếu ở TP Vũng Tàu với 736 ca, chiếm 41% của tỉnh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hiếu, Trưởng Khoa Truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết đỉnh dịch bệnh tay chân miệng hàng năm rơi vào 2 thời điểm là từ tháng 2 đến tháng 5 và đỉnh dịch từ tháng 8 đến tháng 10. Qua phân tích dịch tễ, tỉnh đã ghi nhận 4 trường hợp nhập viện ở độ 2B; chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh nặng (độ 3, 4).
Trước tình hình bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch, đặc biệt là đối với các trường mẫu giáo nơi mà bệnh tay chân miệng dễ dàng lây nhiễm tạo thành ổ dịch.