Bão số 9 mở rộng phạm vi xuống các tỉnh phía Nam và sẽ đổ bộ vào đêm 25/11, tâm bão nằm giữa hai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận, bão mạnh cấp 7-8 khi đổ bộ.
Sáng nay (23/11), Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó bão số 9, ông Trần Quang Hoài- Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.
Cập nhật diễn biến cơn bão số 9, TS Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, hiện nay bão đang có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam, bão sẽ đổ bộ đêm thứ Bảy (24/11) cường độ bão ở mức cấp 7-8, vùng ảnh hưởng gió mạnh là Nam Trung Bộ.
Hiện nay bão đang có xu hướng dịch chuyển xuống phía Nam, bão sẽ đổ bộ đêm thứ Bảy (24/11) cường độ bão ở mức cấp 7-8, vùng ảnh hưởng gió mạnh là Nam Trung Bộ.
Nhận định về lượng mưa, ông Cường cho hay, mặc dù bão di chuyển hướng Nam tuy nhiên lượng mưa không đổi. Từ Thừa Thiên – Huế đến Nam Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn. Từ 23/11 đã có mưa, đến hết ngày 26/11, tổng lượng mưa trên 100 mm. Từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, Nam Tây Nguyên lượng mưa từ 300-400 mm, trong điểm chiều 24/11 hết ngày 25/11, lượng mưa 200-300 mm/24 giờ.
Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết, hiện nay trên 3.800 tàu đang trong vùng bão, hiện các phương tiện đã nắm được thông tin của bão và đang di chuyển tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm, cố gắng trong 16 giờ chiều nay tất cả các tàu sẽ vào bờ an toàn.
Riêng tại tỉnh Bình Thuận: Cấm tàu thuyền, phương tiện vận tải ra biển hoạt động từ 16 giờ 00′ ngày 22/11; tại huyện đảo Phú Quý trưa ngày 23/11.
Các tỉnh trong khu vực sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân theo kế hoạch đã lập tại các địa phương ven biển khi bão đổ bộ trực tiếp và gây mưa, lũ, ngập lụt; tỉnh Khánh Hòa cho học sinh nghỉ học từ ngày 23/11 đến hết ngày 25/11.
Chủ trì cuộc họp, ông Trần Quang Hoài đề nghị các bộ ban ngành địa thực hiện nghiêm túc các Công điện của Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai về việc ứng phó với bão số 9 và mưa lũ;
Khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn các tàu đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm 24h tới tìm nơi tránh trú hoặc vào bờ đảm bảo an toàn.
Các địa phương rà soát, kiểm tra theo phương án đã xây dựng đảm bảo sát với thực tế để chủ động ứng phó với bão và mưa lũ sau bão, nhất là những khu vực có nguy cơ sạt lở; xử lý kịp thời sự cố đối với tuyến đê, kè biển bảo vệ trực tiếp khu dân cư đảm bảo an toàn, tính mạng và tài sản của người dân;
Tổ chức các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo, Bộ NN&PTNT đi kiểm tra thực tế chỉ đạo điều hành công tác ứng phó với bão và vận hành đảm bảo an toàn, hiệu quả các hồ chứa nước.
Nguồn: Danviet.vn